Hậu quả Lừa đảo tài chính quốc tế

Thiệt hại tài chính

Có nhiều con số khác nhau về thiệt hại do trò lừa 419 gây ra. Theo trang web Snopes:" Trò lừa đảo Nigeria thành công rất lớn. Theo một bài báo đăng năm 1997: "Chúng tôi đã xác nhận được tổng thiệt hại tính riêng ở Mỹ là 100 triệu đô la trong vòng 15 năm qua", theo ông James Caldwell, điều tra viên của Cục tình báo phòng chống tội phạm tài chính. "Và đó chỉ là con số chúng tôi biết. Còn có nhiều người khác không tố giác".

Từ năm 1995, Cục tình báo Mỹ đã bắt tay vào việc đấu tranh chống loại tội phạm này. Cục này chỉ tiến hành điều tra các vụ án mà nạn nhân thiệt hại trên 50 nghìn đô la. Tuy nhiên, rất ít vụ việc được khởi tố do tính chất quốc tế của tội phạm này.

Tổn hại sức khỏe hoặc bị chết

Một số nạn nhân đã thuê thám tử Nigeria hoặc tự mình đến Nigeria, nhưng không bao giờ lấy lại được tiền. Một số nạn nhân không chịu đựng nổi tổn thất đã tự sát. Tháng 11/2003, ông Leslie Fountain, một kỹ thuật viên lâu năm của trường Đại học Bách khoa Anglia (Anh) đã tự thiêu chết do bị dính vào một vụ lừa đảo. Năm 2006, một người Mỹ sống ở Nam Phi đã treo cổ tự vẫn ở Togo sau khi bị một tên người Ghana lừa đảo.

Tháng 2/2003, một nạn nhân 72 tuổi người Séc đã bắn chết ông Michael Lekara Wayid, 50 tuổi, nhân viên sứ quán Nigeria tại Prague và làm bị thương một người khác.

Bị bắt cóc

Ông Osamai Hitomi, một doanh nhân Nhật Bản đã bị lừa đến Johannesburg (Nam Phi) trong một vụ lừa 419 và bị bắt cóc ngày 26 tháng 9 năm 2008. Ông ta sau đó bị đem đến Alberton, phía nam Johannesburg và bị đòi 5 triệu đô la tiền chuộc. Trong vụ này, bảy tên tội phạm đã bị bắt.

Ngày 23 tháng 9 năm 2008, ông Kenth Sadaaki Suzuki, một thương gia Thụy Điển đã bị lừa đến Nam Phi và bị bắt cóc. Ông ta bị mang đến một ngôi nhà ở Rosenttenville (Johannesburg) và bị cướp tất cả tài sản. Sau đó gia đình ông bị đòi một khoản tiền chuộc 20 nghìn bảng Anh. Trong vụ này, hai tên đã bị bắt. Ngoài vụ này, chúng còn có liên quan đến các vụ bắt cóc ba người Mỹ và có thể một số vụ án khác nữa.

Từ tháng 9/1995 đến 4/1997, có ít nhất 8 người Mỹ đã bị bắt cóc. Năm 1996, Đại sứ quán Mỹ đã gửi về nước mười người Mỹ bị lừa đảo bởi trò lừa 419.

Ông Joseph Raca, cựu thị trưởng thành phố Northampton (Anh) bị bọn lừa đảo bắt cóc ở Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 7/2001. Ông này sau đó được thả ra do bọn bắt cóc bị căng thẳng.

Năm 1999, Danut Tetrescu, một người Rumani đã bay từ Bucharest đến Johannesburg (Nam Phi) để gặp một bọn người và bị chúng bắt cóc và đòi 500 nghìn đô la tiền chuộc.

Bị giết

Ông George Makrnonalli, 29 tuổi, người Hy Lạp, bị giết ở Nam Phi vào tháng 12/2004 do liên quan đến một vụ lừa đảo.

Ông Kjetil Moe, doanh nhân Na Uy, bị mất tích và sau đó được xác nhận là bị một bọn lừa đảo Nigeria giết tại Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 9/1999.

Một người Mỹ bị giết ở Nigeria vào tháng 6/1995 sau khi bị kéo vào một vụ lừa 419. Từ năm 1994 đến tháng 4/1997, bọn lừa đảo đã giết tổng cộng 15 nạn nhân.

Tổn hại tinh thần

Nạn nhân của các vụ lừa đảo, ngoài việc mất hàng chục nghìn đô la, thông thường bị mất lòng tin nghiêm trọng. Các nạn nhân thường trách cứ bản thân về sự việc đã xảy ra, cảm giác hối hận và xấu hổ tràn ngập. Nếu nạn nhân đã vay tiền của người khác để trả cho bọn lừa đảo, những cảm giác này lại nhân lên gấp bội. Những nạn nhân bị mất tiền cho bọn lừa đảo qua các dịch vụ chuyển tiền hoặc giao dịch séc thường không còn tin tưởng những hệ thống này nữa. Một số nạn nhân về sau không muốn hiến tặng tiền cho nhà thờ, các tổ chức từ thiện, thậm chí từ chối trả tiền điện cho công ty điện lực. Một vài nạn nhân tự sát.

Trong một số trường hợp, nạn nhân tiếp tục liên lạc với bọn lừa đảo kể cả sau khi có bằng chứng là đã bị lừa, do vẫn còn bị mê muội bởi những hứa hẹn của bọn lừa đảo và xem đó là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của họ. Những nạn nhân này rất dễ trở thành con mồi của các vụ lừa đảo tiếp theo, và ngày càng lún sâu vào những rắc rối về tài chính và pháp luật.

Nạn nhân trở thành tội phạm

Một số nạn nhân của các vụ lừa đảo đã tìm cách vay mượn hoặc ăn cắp tiền để trả các khoản phí, tin chắc rằng ngày nhận khoản tiền được hứa đang đến gần.

Cựu thủ quỹ quận Alcona County (Michigan) Thomas A. Katona bị kết án 9-14 năm tù do tội biển thủ công quỹ 1.2 triệu đô la, tương đương với 25% ngân sách của cả quận năm 2006.

Robert Andrew Street, một chuyên gia tư vấn tài chính sống ở Melbourne, đã cuỗm của khách hàng hơn 1 triệu đô la Úc để gửi cho bọn lừa đảo với hy vọng được chia lại 65 triệu đô la Mỹ.

Năm 2002, một kế toán của công ty luật Olsman Mueller & James đã thụt két 2.1 triệu đô la từ tài khoản công ty để mong nhận lại 4.5 triệu theo lời hứa của bọn lừa đảo.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lừa đảo tài chính quốc tế http://www.f-secure.com/hoaxes/moneytr.shtml http://www.intercontinentalbankgh.com/web/scamaler... http://www.microsoft.com/protect/yourself/phishing... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9E0... http://www.snopes.com/crime/fraud/nigeria.asp http://www.wired.com/techbiz/it/news/2006/08/71387 http://statelists.state.gov/scripts/wa.exe?A3=ind0... http://travel.state.gov/pdf/international_financia... http://travel.state.gov/travel/cis_pa_tw/cis/cis_1... http://travel.state.gov/travel/cis_pa_tw/tw/tw_928...